Arthur Robert Ashe (1943 – 1993)
– Là một cựu vận động viên quần vợt chuyên nghiệp người Mỹ, sinh ra và lớn lên ở Richmond, Virginia. Trong sự nghiệp của mình, Ashe đã giành được 3 danh hiệu Grand Slam, trở thành một trong số những vận động viên quần vợt xuất sắc nhất của Mỹ. Có lẽ nếu không có ước mơ, ông sẽ không thể thành công được bởi những rào cản cho người da màu trong lĩnh vực này là quá lớn.
– Athur từng là cậu bé ốm tong teo, suốt ngày lẽo đẽo theo mẹ và đọc sách, nghe nhạc. Năm bốn tuổi, gia đình ông chuyển về khu dành cho người da đen để sống bình yên hơn. Cũng chính nơi đây ông nhìn thấy sân quần vợt đầu tiên và bị hớp hồn bởi bộ môn này. Thế là hằng ngày, người ta thấy cậu nhóc con năm sáu tuổi gầy còm ra sức cầm cây vợt nặng trĩu tập tành đánh banh nỉ. Ông mê quần vợt đến nỗi phải mon men đến khu người da trắng xem người ta đánh banh mặc dù lúc nào cũng bị xua đuổi. May mắn thay lên 7 tuổi tuổi ông nhận được nhiều sự trợ giúp khác để không ngừng cải thiện kỹ thuật lẫn tinh thần thi đấu.
– Năm 1955, ông đoạt chức vô địch giải đơn cho VĐV dưới 12 tuổi do Liên Đoàn Quần Vợt Mỹ tổ chức, nhưng ông vẫn rất buồn vì không được tham gia những giải lớn của Liên Đoàn lẫn địa phương vì ông là người da đen. Ông nhận được học bổng tại đại học LA Califonia. Dù khá cô đơn trên những sân đấu đầy khán giải người da trắng nhưng ông vẫn tiếp tục thi đấu. Năm 1968, Ashe giành chức vô địch của Giải vô địch quần vợt nghiệp dư Mỹ và Giải quần vợt Mỹ Mở rộng đầu tiên của Kỷ nguyên mở.
– Năm 1969, Ashe chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Năm 1970, ông giành được danh hiệu Grand Slam đơn thứ hai tại Giải quần vợt Úc Mở rộng. Năm 1975, Ashe bất ngờ giành chức vô địch Giải quần vợt Wimbledon, trở thành hạt giống số 1 thế giới. Cho đến nay, Ashe vẫn là người Mỹ gốc Phi duy nhất giành chức vô địch đơn ở Wimbledon, Mỹ Mở rộng và Úc Mở rộng. Ông là một trong hai người da màu gốc Phi giành được danh hiệu Grand Slam đơn. Sân trung tâm cũng là sân lớn nhất tại Trung tâm quần vợt quốc gia Billie Jean King – nơi diễn ra Giải quần vợt Mỹ mở rộng được đặt theo tên của ông.
Nếu không vì đam mê mà gạt qua một bên cái cô đơn giữa sân đấu, dẫm lên định kiến “quần vợt là môn thể thao cao sang chỉ dành cho người da trắng” thì một kẻ “da đen nghèo hèn” như ông đã chẳng bao giờ thực hiện được ước mơ của mình.