Helen Adams Keller (1880 – 1962)
– Là một nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ có bằng Cử nhân Nghệ thuật. Có vô số người trên thế giới nàỳ có thể làm được những điều trên, nhưng không phải ai cũng vừa mù vừa điếc như bà. Sinh ra là đứa trẻ bình thường nhưng khi Keller mới 19 tháng tuổi, một đợt bạo bệnh hủy hoại đôi tai và lấy đi đôi mắt của bà. Càng lớn bà càng trở nên cáu gắt, hoang dại bởi quanh bà là một nơi đầy bóng tối và không có âm thanh, thậm chí bà cũng không thể nghe chính giọng nói của mình. May mắn thay, bà gặp Anna – một cô gia sư trẻ đầy tâm huyết và có lòng cảm thông sâu sắc đối với người mù. Anna đã kiên trì và kiểm soát được Keller, dạy Keller cách giao tiếp qua ngôn ngữ được viết lên tay dành cho người mù. Nhờ vậy, Keller đã biết “nghe” và bày tỏ ý kiến của mình, chấm dứt ngày tháng bức bối, đơn độc.
– Vào năm 8 tuổi, bà vào học tại trường dành cho người khiếm thị rồi một năm sau qua trường dành cho người khiếm thính. Chẳng bao lâu, Keller không những trở nên xuất sắc trong học tập, bà còn biết bơi, chèo thuyền, thậm chí cưỡi ngựa. Sau đó Keller vào học trường nữ học tiểu bang Massachusetts, cô giáo Anne luôn luôn ở bên cạnh Keller để viết lại nội dung bài giảng vào lòng bàn tay Keller. Năm 1900 Keller thi đậu vào trường Radcliffe College, vừa học tài liệu dành riêng cho người mù, vừa viết cuốn sách “Chuyện đời tôi”. Sau những nỗ lực, bà trở thành người mù – điếc đầu tiên bước ra từ một trường đại học danh giá của nước Mỹ và trở nên nổi tiếng.
– Bà cảm thấy xã hội còn lắm bất công, bản thân mình cần phải làm điều gì đó có ích. Bà đã cố gắng tập nói rất nhiều để có thể diễn thuyết suông sẻ trước công chúng. Ban đầu bà đi khắp nước Mỹ nói lên ý kiến của mình, rồi dần dần đi khắp nơi trên thế giới, bà ngày càng nổi tiếng. Ngoài việc hoạt động tích cực với vai trò chủ tịch hội người mù Mỹ trong nhiều năm, bà con tham gia cả hoạt động chính trị.
– Tổng cộng, Helen Keller đã viết được 12 cuốn sách và nhiều bài báo khác nữa. Bà được được Tổng thống Lyndon B. Johnson tặng thưởng Huân chương Tự do, một trong hai phần thưởng cao quý nhất của chính phủ Mỹ dành cho nhân dân.
Tuy bị tàn tật nhưng Keller là một người phụ nữ tràn đầy lạc quan, thiết tha yêu sống, trở thành một biểu tượng của tinh thần tự lực phi thường khi suốt đời sống trong thế giới không ánh sáng, không âm thanh nhưng vẫn cống hiến hết sức lực nhằm đem niềm vui đến với người tàn tật cùng chung số mệnh với bà.