Albert Einstein (1879 – 1955)
– Được chúng ta biết đến như một nhà khoa học vĩ đại bậc nhất mà khó ai sau này sánh được, ông có một bộ não tuyệt vời, với chỉ số IQ cao ngất mà rất ít người trên thế giới có được. Albert Einstein sinh ra tại Đức trong một gia đình gốc Do Thái. Từ nhỏ, ông bị mọi người cho rằng có nguy cơ bị thiểu năng trí tuệ bởi 3 tuổi ông vẫn cứ bập bẹ mà chưa biết nói. Đến khi học tiểu học cũng vậy, thầy cô cho rằng ông sẽ chẳng làm nên trò trống gì bởi ông thành tích học tập kém, quá chậm chạp, nhút nhát, “hỏi nhiều” nhưng thiếu khả năng biểu đạt. Tuy vậy, từ năm 11 tuổi ông tỏ ra thích thú với các môn tự nhiên và trở nên xuất sắc đặc biệt ở hai môn Toán và Vật Lý.
– Chàng thanh niên được cho là lập dị này đã quá chán nước Đức, 15 tuổi ông bỏ học giữa chừng, sang Ý sống cùng với cha mẹ. Ông đã rất khó khăn mới xin vào được đại học Zurich Thụy Sỹ nhưng sau đó ông cũng hững hờ với các tiết học trên lớp mà chỉ say sưa làm các thí nghiệm. Tuy rất thông minh, nhưng cứng đầu, Einstein là người duy nhất tại đại học danh tiếng này tốt nghiệp mà không có việc làm lẫn lời mời ở lại trợ giảng. Phải rất lận đận, 2 năm sau đó ông mới có nổi việc làm giám định kỹ thuật ở Cục bản quyền Thụy Sỹ. Từ lúc này trở đi ông không còn phải lo lắng cái ăn cái mặc nữa mà chuyên tâm nghiên cứu những gì mình thích.
– Trong suốt quãng đời nghiên cứu của mình, ông đã đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại (trụ cột kia là cơ học lượng tử). Mặc dù được biết đến nhiều nhất qua phương trình về sự tương đương khối lượng-năng lượng E = mc2 (được xem là “phương trình nổi tiếng nhất thế giới”), ông lại được trao Giải Nobel Vật lý năm 1921 “cho những cống hiến của ông đối với vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện”. Einstein đã công bố hơn 300 bài báo khoa học và hơn 150 bài viết khác về những chủ đề khác nhau, ông cũng nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ
Những gì ông đạt được hẳn phải làm nhiều người ngạc nhiên bởi trước đó họ đánh giá ông quá thấp.
Ông sinh ra không hẳn là một thiên tài, nhưng có lẽ cái tinh thần “hỏi nhiều” chính là chìa khóa để ông mở ra tiềm năng của bộ não và khám phá khoa học.