Bài viết ngắn gọn này sẽ làm rõ 3 vấn đề, đi từ thực tế đến khái niệm.
- Một số quan sát về khả năng critical thinking ở khu vực Á Đông và nguyên nhân.
- Critical thinking là gì? Có đúng critical thinking là “phê phán”?
- Làm thế nào để tăng khả năng critical thinking?
1. Một số quan sát về khả năng critical thinking ở khu vực Á Đông và nguyên nhân
– Đi từ liên hệ thực tế, qua quan sát của cá nhân và có lẽ cũng là của rất nhiều người, cư dân hay học sinh gốc Á Đông nói chung có một điểm non nớt đó là khả năng và tư duy Critical Thinking, hay tiếng Việt còn dịch ra là “Tư duy phê phán” (dù không thật sát nghĩa như chúng ta sẽ thấy). Không có hoặc kém critical thinking sẽ dẫn đến việc thiệt thòi trong việc tư duy khai phá kiến thức mới, ngay cả trong cuộc sống lẫn trong nghề nghiệp.
– Trước hết nói về nguyên nhân. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng xuất phát lớn nhất là đến từ ảnh hưởng của văn hóa Nho Khổng ngàn năm. Văn hóa theo đạo Khổng chú trọng sự “vâng lời” và “phục tùng” theo thứ bậc từ thấp đến cao: Trong gia đình thì em phục tùng anh chị, con phục tùng cha mẹ; ở trường sở thì học trò phục tùng thầy cô; ra xã hội thì người nhỏ tuổi có xu hướng phục tùng người lớn tuổi; về chính trị thì người dân phục vụ nhà cầm quyền (thời phong kiến là vua quan, thời này là quan sếp).
– Đi ngược lại với các điều trên sẽ bị gán cho các nhãn mác như là: Bất lễ, bất hiếu, bất nghĩa, bất trung.v.v. nói chung là đủ mọi từ ngữ “xúc phạm” đạo đức (dù chưa chắc ai đã hiểu đạo đức là gì).
Những hiện tượng trên ở thời phong kiến là vô cùng rõ ràng. Ở thời nay đã hiện đại hơn, nhưng những di chấn của nền văn hóa đó vẫn còn rất sâu đậm trong nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này, trong đó có Việt Nam.
– Một ví dụ có thể thấy ngay trong môi trường giáo dục: Ngay trong cách dạy và học ở khu vực này, văn hóa thầy cô hướng dẫn chỉ bảo từng li từng tí, thầy đọc trò nghe, thầy dạy trò chép, sách nói gì biết vậy, không học và tư duy cái gì ngoài sách hay ngoài những cái đọc được (dễ có xu hướng tin tưởng), và văn hóa học dạng bài để ôn thi cũng có chung nguồn gốc xuất phát điểm từ văn hóa xã hội Nho Khổng này.
Một điều thú vị nữa, càng con ngoan trò giỏi ở các khu vực này, thì lại càng “có nguy cơ” bị thui chột khả năng critical thinking, bởi vì chính là con ngoan trò giỏi nên sẽ đi theo một chiều hướng nói trên của văn hóa.
2. Critical thinking là gì? Có đúng critical thinking là “phê phán”?
Để quay lại vấn đề chính, xin trích dẫn một câu nói của nhà bác học thiên tài Albert Einstein:
“It is not so very important for a person to learn facts. For that he does not really need a college. He can learn them from books. The value of an education in a liberal arts college is not the learning of many facts, but the training of the mind to think something that cannot be learned from textbooks.”
Albert Einstein
– Câu nói trên nghĩa rằng tầm quan trọng của một nền giáo dục khai phóng, một đại học khai phóng, là việc đào tạo khả năng tư duy về những thứ mà không thể học được từ trong các cuốn sách giáo khoa.
Điều này nhấn mạnh khả năng tự tư duy tìm tòi ra các kiến thức khác với những gì đã được nói, được dạy — một nhân tố vô cùng quan trọng của Khai Sáng.
– Vậy, Critical thinking là gì? Có nhiều cách để định nghĩa. Ví dụ tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Critical_thinking họ cũng nêu ra rằng rất khó để định nghĩa trọn vẹn. Theo tôi, chúng ta có thể hiểu:
“Critical thinking là việc tư duy để tìm ra các thông tin đáng tin cậy, và từ đó đưa ra các ý kiến, sự đánh giá hay phê bình một cách hợp lý. Nó bao gồm cả tư duy và các kĩ năng, cả hai đều có thể được hình thành thông qua quá trình lĩnh ngộ các khái niệm, thực hành và ứng dụng”
– Qua định nghĩa trên có thể thấy: Critical thinking Không có nghĩa rằng Negative, hay là phủ định, phủ nhận, hoặc phê phán chỉ trích. Cách dịch critical thinking là “tư duy phê phán” trong tiếng Việt (và có lẽ 1 số từ điển khác) cũng sẽ dẫn đến sự hiểu lầm về kĩ năng này: Rằng phải phê phán. Cũng 1 phần do từ phê phán trong tiếng Việt lại mang nghĩa “tiêu cực” — thường được hiểu với hàm ý “chê bai”. Thật ra không phải.
– Theo tôi, tiếng việt nếu có dịch ra thì có thể dùng một từ khác, như là: Tư duy phản biện. Dù chưa thực sát nghĩa, nhưng có lẽ tránh hiểu lầm với từ “phê phán”.
Một chút về lịch sử ngôn ngữ. Từ “critical” ở đây có xuất phát từ tiếng Hy Lạp, từ “krititos” nghĩa rằng: nhận thức sâu sắc và sáng suốt. Do đó, critical thinking nên được hiểu là: Một dạng suy nghĩ sâu hơn, mà ở đó chúng ta sẽ không thấy bất cứ cái gì là Tất nhiên, mà sẽ đặt câu hỏi Ngờ vực, phân tích và đánh giá những cái chúng ta đọc, nghe, nói, hay viết.
3. Làm thế nào để tăng khả năng critical thinking?
– Critical thinking là một kĩ năng phức tạp, mà yêu cầu phải rèn luyện. Đừng hy vọng rằng bạn có thể đọc mọi thứ và bất thình lình trở thành một critical thinker. Điều này cần thời gian, phụ thuộc vào năng khiếu tạo hóa ban cho não bộ của bạn nhiều hay ít và môi trường bạn tiếp xúc sau đó (bao gồm con người, sách vở, báo chí, mạng internet.v.v..).
– Ở một môi trường giáo dục đại học khai phóng thực sự, bạn sẽ được hướng dẫn để xem xét, chứng minh, lập luận và tranh luận với lý lẽ, phân tích và đánh giá. Những điều này sẽ là tạo cơ hội để bạn hình thành tinh thần phản biện bằng lý lẽ, và thực hành khả năng critical thinking của mình.
***** Câu hỏi đặt ra là: Vậy một critical thinker cần bao gồm những đặc điểm gì?
Các nhà triết học, và nghiên cứu giáo dục đã tổng kết một số các kĩ năng và tư duy mà một critical thinker có thể sở hữu như sau:
— Tò mò và ham hiểu biết, luôn luôn tìm kiếm sự thật.
— Công bằng trong việc đánh giá các dữ kiện, bằng chứng cũng như quan điểm của người khác.
— Ngờ vực với thông tin.
— Có khả năng cảm thụ sâu và tạo được mối liên hệ giữa các ý tưởng.
— Open-minded (không thành kiến, sẵn sàng tiếp thu cái mới), và sẵn sàng chấp nhận rằng niềm tin sẽ bị thử thách.
— Có khuynh hưởng, và đặc biệt là có khả năng, sử dụng bằng chứng và lập luận để tạo các luận điểm, quyết định.
***** Câu hỏi kế tiếp là, vậy một critical thinker thường làm gì, biểu hiện như thế nào?
— Đặt câu hỏi với mọi thứ, bao gồm cả những quy chuẩn xã hội và truyền thống đã và đang tồn tại.
— Tư duy một cách có hệ thống, xem xét nhiều khía cạnh của một vấn đề và nhìn vào từng khía cạnh trong một bối cảnh rộng hơn
— Cẩn thận trong việc xem xét ý kiến và thông tin
— Nhìn xa hơn những gì mà tưởng như là hiển nhiên
— Sử dụng bằng chứng để bổ trợ cho lập luận.
— Sử dụng logic và lý lẽ trong lập luận
— Tránh và hạn chế tối đa trong việc tạo giả thiết, giả định khi tranh luận
— Có khả năng phát hiện (và tránh) các ngụy biện logic (logical fallacies)
— Cố gắng tự nhận ra những thiên kiến trong tư duy của chính mình.
— Xem xét góc nhìn đa chiều.
— Sử dụng các kĩ năng critical thinking bên trên để thành lập các đánh giá.
KẾT LUẬN
– Chỉ khi có Critical thinking, thì mới có thể bắt đầu bước vào con đường khai phóng, để khai sáng cá nhân và cộng đồng. Cũng chỉ khi có critical thinking, thì cũng mới có thể tranh luận văn minh, để cùng giúp nhau tiến bộ, và không sa đà vào đả phá chỉ trích cá nhân.
– Có một thực tế, và cũng là điều được dự đoán. Critical thinking là kĩ năng của thế kỷ 21. Sang thế kỷ mới, mà vẫn chưa thể có được, hoặc văn hóa sống-học tập-làm việc đi ngược lại với tư duy phản biện này, thì con người và xã hội đó dường như đang đi ngược lại với chiều phát triển của văn minh nhân loại đang hướng đến (dù chưa biết tốt hay xấu ở tương lai xa).
Nguồn: Nam Le’s Liberal
https://mitpress.mit.edu/books/critical-thinking
https://missionself.com/developing-critical-thinking-skills
https://en.wikipedia.org/wiki/Critical_thinking
https://www.nuigalway.ie/academic-skills/criticalthinking/howtodevelopyourcriticalthinkingskills/